Đây là loại rắn lành, chúng chẳng những không có nọc độc mà cũng lại rất chậm trong di chuyển. Có điều đuôi rắn này thường tiết ra chất dịch màu trắng đục. Chất này tối kỵ với lươn. Nói cách khác, lươn gặp phải dịch tiết ra từ rắn trun thì “thẳng đơ cán cuốc”.
Dồi rắn trun
Có lẽ vì thế mà người bình dân truyền rằng: lươn nạp mình cho rắn trun, cũng phải! Những lão nông biết chỗ nào có lươn ẩn sống, thường bắt con rắn trun rồi trút ngước phần đuôi nó xuống, dùng tay vuốt cho dịch trắng chảy ra. Lát sau, lươn nổi dầu hết, cứ vậy tha hồ lượm về … ăn!
Mùa nước nổi rắn trun sinh sôi rất nhanh. Theo những chỗ có nước xâm xấp nhiều lau, sậy hay cỏ lát mọc hoang ở đìa lạn, lung, bàu, … người ta sẽ không khó để tìm kiếm loại rắn này. Chỉ cần cây móc sắt là có thể bắt được chúng dễ dàng. Rắn trun cũng thường hay chạy lọp, chạy nò, dính lưới, …
Rắn trun được chế biến rất nhiều món ăn ngon, nên thuốc. Rắn trun hầm sả với củ cải trắng vừa giải cảm vừa ngon cơm, mà nều đem mồi nhậu cũng rất bắt. Rắn trun xào với lá cách, lá nhàu là thứ khoái khẩu cho người đau lưng, mỏi gối. Dân lao động tin rằng đây là phương thuốc hữu hiệu “ông uống bà khen”. Nhưng có lẽ độc đáo nhất phải kể đến món rắn trun làm dồi.
Muốn làm món ăn này phải chịu khó tốn công. Rắn trun làm sạch, phải dùng dao bén khéo tay tách lách phần da ra khỏi thịt xương sao cho da còn nguyên vẹn. Theo kinh nghiệm dân gian thì chỉ có da rắn trun dai mới có thể làm được món này. Các loại rắn như hổ hành, ri tượng, hổ ngựa, rắn nước, rắn bông súng, … không ai đem làm dồi cả.
Sau đó, dùng ngay chính phần thịt, xương rắn vừa lóc ra bằm cho thật nhừ. Có khi thêm ít nấm mèo, thịt ba rọi rồi nêm muối, bột ngọt, tiêu hành, … rồi dùng chiếc đũa dồn thịt đã bằm trở lại vào da rắn. Sau đó, người ta dùng chỉ may buộc phần đầu lại rồi đem luộc trong nước dừa xiêm. Khi nước sôi, người ta dùng tăm tre xăm vào những khúc dồi đang luộc cho hơi xì ra ngoài. Nếu không có thao tác này, khúc dồi rắn sẽ bể, món ăn sẽ không ra gì cả.
Sau khi luộc chín vớt dồi rắn ra, bếp than hồng đã chuẩn bị sẵn, bắc vỉ lên nướng lại cho khúc dồi vàng, thơm. Xắt từng miếng vừa ăn dọn ra dĩa kèm với rau sống từ đọt xoài, lá lụa, lá nhàu, lá cách, đọt chùm giuộc, đọt cơm nguội, … hái ngoài vườn nhà.
Cứ mỗi buổi chiều tà, làm vài ba khúc dồi rắn rồi mời anh em hàng xóm sang chung vui vài chung rượu đế, ngâm nga vài ba câu vọng cổ là thú vui tao nhã mà hết sức đậm đà tình nghĩa chốn miền quê sông nước vùng trời nam Tổ quốc.
Tửu Hoàng